Luôn có nhiều hơn một con đường

Tôi hỏi bạn có định học tiếp lên đại học không, bạn ấy bảo để đi làm xem mình có phù hợp với nghề ngân hàng không. Nếu công việc đòi hỏi thêm kiến thức thì sẽ học tiếp. Nói chung, người trẻ ở Đức có rất nhiều con đường sau khi học xong phổ thông, không nhất thiết là đại học.
Tốt nghiệp phổ thông, thi và học đại học, dường như không còn con đường nào khác. Đó là lối mòn của xã hội. Chừng nào cách nhìn của xã hội chúng ta khác đi và quan trọng nhất là các thể chế trong xã hội thay đổi và mở thêm nhiều con đường cho các bạn trẻ thì sẽ không còn những chuyện đau buồn, áp lực, mệt mỏi vì thi rớt đại học diễn ra hàng năm như thế này nữa.
Thật ra, đã đi thi thì đậu rớt là chuyện bình thường vì có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn thi đỗ hoặc thi rớt trong một kỳ thi. Không nhất thiết thi rớt là dở, thi đậu là giỏi. “Đường dài mới biết ngựa hay”. Hồi xưa tôi cũng từng thi rớt và nhờ đó tôi được... tuyển thẳng đại học.
Chuyện là năm học lớp 11, tôi tham gia kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia môn văn. Gia đình, thầy cô, bạn bè kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Cả tôi cũng tin mình có thể “làm nên chuyện”. Và năm đó tôi… rớt trong sự ngỡ ngàng của mọi người và cả chính tôi.
Tôi buồn và thất vọng kinh khủng, đã quyết định sẽ từ bỏ môn văn. Rồi tôi đọc được trong một cuốn sách: “Người mạnh nhất không phải là người luôn chiến thắng. Người mạnh nhất là người luôn biết đứng dậy sau mỗi lần thất bại”. Cộng với sự động viên và giúp đỡ của gia đình, thầy cô, và những người bạn, dần dần tôi quên đi nỗi đau thất bại và tìm lại tình yêu với văn chương. Một năm sau đó, tôi thi văn một lần nữa. Năm ấy tôi đạt giải nhì môn văn quốc gia.
Nhưng quan trọng hơn, tôi nhận ra rằng thất bại thường dạy chúng ta nhiều hơn thành công. Chỉ có điều khi ở trong thất bại, một số người thường quá thất vọng, đau buồn và áp lực nên chưa kịp nhận ra giá trị của nó...
BÙI THỊ MINH CHÂU (sinh viên cao học ngành Quản lý phát triển, Ruhr-University Bochum, CHLB Đức)